Ông Hoàng Nam Tiến: 5 năm tới, người ta sẽ nhắc đến Việt Nam như một nơi cần phải đến về lĩnh vực chip và bán dẫn

15/04/2024 12:09

Trong bối cảnh bán dẫn trở thành tương lai, là một trong những nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam, để có thể nắm bắt được cơ hội trong lĩnh vực này, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đó là đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Hoàng Nam Tiến: 5 năm tới, người ta sẽ nhắc đến Việt Nam như một nơi cần phải đến về lĩnh vực chip và bán dẫn- Ảnh 1.

Trong bối cảnh chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang các nền kinh tế Đông Nam Á, Việt Nam đang dần trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, sở hữu rất nhiều lợi thế cạnh tranh như trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc (theo Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ); vị trí địa lý thuận lợi; cũng như cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán dẫn và điện tử như Samsung, Synopsys, Qualcomm… đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Để có thể nắm bắt được cơ hội trong lĩnh vực này, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đó là đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn, chủ yếu hoạt động trong mảng thiết kế vi mạch. Tổng số nhân sự làm việc trong ngành này vào khoảng 5.000 người.

Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Đồng thời, đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

Tại toạ đàm "Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai mới" được FPT Jetking phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo NIC tổ chức mới đây, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT chia sẻ, trong bối cảnh bán dẫn trở thành tương lai, là một trong những nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nhấn mạnh rằng công ty sẽ đặt cược vào trí tuệ nhân tạo, phần mềm ô tô cũng như chip và bán dẫn.

70A66842-90D5-46FF-B0C4-8A50DB67097C_1_201_a.jpeg

Các diễn giả chia sẻ tại "Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai mới"

Ông Tiến kể lại, giống như câu chuyện của FPT 25 năm trước khi làm về công nghệ và cách đây 9 năm nói xuất khẩu phần mềm, đa số mọi người đều cho rằng điều này là ảo tưởng, người Việt Nam không thể làm được.

"Giống hệt như 25 năm trước đây, khi FPT quyết định vươn ra thế giới (Go Global), câu hỏi đầu tiên tôi nhận được đó là: "Người ở đâu ra mà làm?", thì bây giờ tôi cũng nhận được những sự hoài nghi tương tự rằng tham vọng của FPT là hoang tưởng, ảo tưởng, làm sao người Việt Nam có thể làm được", ông Tiến kể lại.

"Thế nhưng năm 2023, doanh thu xuất khẩu phần mềm ra thế giới của FPT đã đạt 1 tỷ USD. Và tôi hoàn toàn có lòng tin rằng với khả năng, trình độ của các bạn trẻ thì chúng ta hoàn toàn có thể chinh phục được thế giới. Khác với chúng tôi phải mất đến 25 năm để có thể đạt được cột mốc 1 tỷ USD thì các bạn trẻ sẽ không cần đến 25 năm. Thậm chí, tôi tin rằng, chỉ trong vòng 5 năm tới, vào năm 2030, người ta sẽ phải nhắc đến Việt Nam như là một nơi cần phải đến nếu nói về lĩnh vực chip và bán dẫn", ông Tiến nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Vietnam, cho biết hiện nay nhân sự trong ngành chip và bán dẫn đang thiếu hụt trên toàn thế giới. Việc Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực tốt, trở thành nơi cung cấp nhân lực sẽ trở thành mỏ neo giữ các công ty đầu tư ở lại Việt Nam. Nguồn nhân lực càng nhiều và chất lượng thì mỏ neo càng lớn và chắc chắn để giữ dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.

"Với chi phí nhân công kỹ sư thiết kế chip bán dẫn thấp cùng các nền tảng tốt, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang và sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ Việt Nam. Tại Việt Nam, lương kỹ sư ngành này vào khoảng 10.000-100.000 USD/năm tùy vào kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường thường đã có mức lương khởi điểm khoảng 10.000 USD/năm, chưa kể thưởng", ông Yên thông tin.

Đánh giá về tiềm năng nguồn nhân lực Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, ông Harsh Bharwani, CEO and Director of Jetking Infotrain Limited – Học viện CNTT hàng đầu tại Ấn Độ cho hay, Việt Nam có lợi thể nằm ở nhóm dân số trẻ và mức độ hiểu biết cũng như tiếp nhận công nghệ của giới trẻ Việt Nam vô cùng cao.

Dù tiềm năng như vậy nhưng thách thức với những người trẻ muốn theo đuổi ngành thiết kế chip bán dẫn không hề nhỏ. Theo ông Harsh Bharwani, một trong những điểm yếu mà các bạn sinh viên Việt Nam cần phải cải thiện đó là năng lực ngoại ngữ. Không chỉ vậy, sinh viên Việt Nam cần phải có cái nhìn tổng quan về thị trường trên toàn cầu như cập nhật các xu hướng mới về thiết kế chip, trí tụe nhân tạo… Đồng thời cần nâng cao kỹ năng thực hành bên cạnh các kiến thức lý thuyết đã được học.