Dấu son đỏ đoàn kết dân tộc tại bến cảng xứ Thanh

03/09/2023 16:06

Tháng 10/1954, chuyến tàu đầu tiên chở đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã cập bến cảng Hới, Tp.Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Dấu son đỏ tại bến cảng xứ Thanh

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ1954, ngày 15/10/1954, tại cảng Hới, phường Quảng Tiến, Tp.Sầm Sơn, chính quyền cùng người dân địa phương đã đón chuyến tàu đầu tiên đưa đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Tại địa điểm này sau đó đã đón tiếp hàng trăm nghìn cán bộ, bộ đội, học sinh, sinh viên, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Trong 7 đợt (từ 15/10/1954 đến 1/5/1955) đã có 1.869 thương bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra miền Bắc. Với những đóng góp đó, Thanh Hóa được xem là hậu phương lớn, đón đồng bào, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, góp công lớn trong việc nuôi dưỡng, đào tạo rất nhiều cán bộ, chiến sỹ quay trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu.

Ngày ấy, thực hiện chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa, để chuẩn bị cơ sở vật chất đón đoàn cán bộ, chiến sĩ; thương, bệnh binh; học sinh, sinh viên miền Nam tập kết ra Bắc, các chi bộ đảng ở Sầm Sơn lúc bấy giờ đã huy động nhân dân xây dựng khu lán A (dài 500m, rộng 30m) dọc bến xóm Toàn đến xóm Thành Lập; khu lán B nằm về phía tây xóm Phúc (phường Quảng Tiến) để làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt cho đồng bào.

Sự kiện - Dấu son đỏ đoàn kết dân tộc tại bến cảng xứ Thanh

Tấm bia ghi lại dấu mốc lịch sử của tinh thần đoàn kết dân tộc.

“Chuẩn bị cập bến từ xa đã nhìn thấy đồng bào Thanh Hóa cầm cờ đỏ sao vàng đứng hai bên đường vẫy chào bộ đội và cán bộ miền Nam ra tập kết. Thời gian ở lại trạm, đồng bào đón tiếp, chu đáo. Hàng ngày, chúng tôi đều được ăn uống đầy đủ và toàn là những món ngon, trong lúc đó chúng tôi biết rất rõ là đồng bào Thanh Hóa còn nhiều thiếu thốn”, một người lính tập kết ra Bắc hồi tưởng kỷ niệm trong vòng tay đùm bọc của đồng bào miền Bắc trong một phỏng vấn với báo giới.

Ngày nay, tại khu vực cảng Hới, hiện có tấm bia đá với nội dung: Nơi đây, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955 đã đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở Miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam. Đây có thể coi là mốc son thể hiện cho tinh thần đoàn kết, yêu thương của nhân dân Thanh Hóa cũng như đồng bào miền Bắc đối với đồng bào miền Nam ruột thịt.

“Đây là sự kiện lớn, khi được giao nhiệm vụ, lực lượng dân quân, nhân dân xã Quảng Tiến và các địa phương lân cận đã huy động đóng góp sức người sức của để đón tiếp chu đáo đồng bào miền Nam. Với tinh thần yêu thương đùm bọc, đoàn kết, đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với đồng bào miền Nam. Hàng năm, vẫn có nhiều đoàn đồng bào miền Nam về thăm lại nơi cảng Hới, hồi tưởng lại ký ức hào hùng xưa”, ông Ngô Hữu Biên, Bí thư phường Quảng Tiến, Tp.Sầm Sơn chia sẻ.

Dự án tâm huyết của nhiều thế hệ

Nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn, và để giáo dục truyền thống Cách mạng và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời, trên nguyện vọng của đa số các cựu cán bộ, chiến sỹ và học sinh mong muốn xây dựng một cụm công trình văn hóa, lịch sử nhằm tri ân những đóng góp, sự cưu mang của người dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết. Năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận giao cho chính quyền Tp.Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Trên tinh thần đó, sáng 28/8/2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khởi công dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Dự án có quy mô hơn 40.000 m2 chia 3 khu A,B,C, với tổng mức đầu tư gần 255 tỷ đồng, do UBND Tp.Sầm Sơn làm chủ đầu tư. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 76,5 tỷ đồng, vốn ngân sách Tp.Sầm Sơn và các nguồn huy động khác là 178,5 tỷ đồng.

Sự kiện - Dấu son đỏ đoàn kết dân tộc tại bến cảng xứ Thanh (Hình 2).

Phối cảnh tượng đài con tàu tập kết tại cảng Hới, Tp.Sầm Sơn.

Tại khu A có diện tích gần 13.600 m2, với các hạng mục gồm: Tượng đài Con tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung, nhà trưng bày hiện vật... Khu B diện tích gần 2.000 m2, đây là nơi tái hiện lại hình ảnh những lán trại, nơi ăn ở sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết, giếng nước, cây xanh cảnh quan, còn lại khu C là các công trình phụ trợ khác. Ngoài ra, công trình còn có con đường ký ức bằng gốm sứ dài hơn 1,1 km và công viên chuyên đề gần 24.000 m2.

Trong đó, điểm nhấn dự án là tượng đài Con tàu tập kết, diện tích khoảng 3.200 m2 và phù điêu lớn hình cánh cung là công trình biểu tượng, cũng là điểm nhấn cho toàn khu lưu niệm; giá trị xây lắp dự kiến khoảng 89 tỷ đồng. Trong lòng tượng đài sẽ có một bảo tàng thu nhỏ mô phỏng các con tàu của Ba Lan, Liên Xô... đã tham gia vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND Tp.Sầm Sơn cho biết, công trình là điều mà các thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tâm tư và mong muốn thực hiện, và là nơi ghi nhận, lưu giữ những tài liệu quý về sự kiện này. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời, công trình với kiến trúc mỹ thuật hài hòa hứa hẹn sẽ là địa điểm thu hút du khách, đa dạng hóa sản phẩm tại thành phố du lịch Sầm Sơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Sau nhiều năm được đầu tư xây dựng, cảng cá Lạch Hới trở thành một trong những bến cảng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Cảng cá này hiện có chỗ đậu cho 450 đến 500 tàu, thuyền đánh cá các loại.

Việt Phương