Công nhân thấp thỏm lo mất việc

29/03/2023 12:04

Không ít công nhân ở TPHCM dù vẫn đang có việc làm nhưng luôn tỏ ra lo lắng trước nguy cơ thất nghiệp, bởi tuổi tác ngày càng lớn, công ty ít đơn hàng bị thu hẹp sản xuất… Chỉ cần doanh nghiệp có biến động cắt giảm biên chế, họ luôn nằm trong danh sách lao động bị sa thải đầu tiên.

Gắng gượng vì con

Tại xóm trọ trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp, TPHCM), chị Trần Thị Dung (44 tuổi, quê Buôn Ma Thuột), công nhân Công ty TNHH BL Leather Bank chuyên sản xuất bóp da chuẩn bị lo bữa cơm chiều, chờ chồng con trở về. Tâm sự về công việc, chị Dung cho biết, đã sinh sống và làm việc ở thành phố gần 20 năm nhưng chưa lúc nào thấy bấp bênh như lúc này.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, đơn vị đang tổ chức nhiều sàn việc làm theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đây là phương án kết nối doanh nghiệp với lao động ở nhiều tỉnh thành, nhằm hỗ trợ người lao động khi chưa lên TPHCM vẫn tiếp cận được việc làm. Trung bình có 2 phiên ngày hội việc làm/tháng, kéo dài trong suốt năm 2023.


“Từ cuối năm 2022, công ty ít đơn hàng nên công nhân chỉ làm việc cầm chừng. Trước đây công ty còn ký hợp đồng lao động 3 năm/lần, nhưng giờ mỗi năm đều phải ký mới. Tôi tuổi ngày càng lớn, nếu không được tiếp tục ký hợp đồng, không biết làm gì lấy tiền nuôi ba đứa con ăn học”, chị Dung nói.

Chồng chị Dung cũng làm cùng công ty, cũng lớn tuổi nên hai vợ chồng luôn có nguy cơ nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự. Với tổng thu nhập của gia đình gần 10 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí thuê nhà trọ, điện nước gần 2,5 triệu đồng/tháng, số tiền còn lại là nguồn sống của 5 người.

Công nhân thấp thỏm lo mất việc - Ảnh 2.

Nhiều công nhân thấy bất an mỗi lúc chủ doanh nghiệp có kế hoạch tinh giản lao động vì họ lo ngại sẽ bị sa thải, không biết lấy gì nuôi con ảnh: U.P

Chiều muộn, chị Thanh (52 tuổi, công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân) xách bó rau muống, mớ cá vừa mua về xóm trọ. Nữ công nhân quê Đồng Tháp đã có 12 năm gắn bó với công ty, mong muốn của chị là được làm việc tại đây cho tới lúc nghỉ hưu, có như vậy mới đủ trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, gần đây nhiều xưởng của công ty đóng cửa, sa thải cả nghìn lao động khiến chị Thanh thêm lo lắng.

Mới đây, khu vực chị Thanh làm việc phải sắp xếp lại lao động, chị được điều chuyển sang bộ phận khác làm việc.

“Trước đây làm ở khâu chuẩn bị, tôi chỉ ngồi một chỗ làm, bây giờ chuyển lên bộ phận khác phải đứng để làm. Phần vì có tuổi rồi, phần vì vừa chưa quen việc mới, lại phải đứng cả ngày nên tôi thấy áp lực lắm. Nhưng vì cuộc sống bắt buộc phải cố gắng, chỉ sợ làm không tốt bị sa thải thôi. Nếu trường hợp bị sa thải, chắc chỉ có nước khăn gói về quê vì không ai nhận công nhân trên 50 tuổi”, chị Thanh bộc bạch.

Để có thêm thu nhập, chị N.H (42 tuổi, quê Hải Dương) đang làm công nhân ở quận Bình Tân nhận bong bóng về nhà làm thêm. Vừa chăm con gái út 2 tuổi, chị H. vừa thoăn thoắt cho bong bóng vào từng bao nhỏ. Thành phẩm sẽ là 30 bịch bong bóng nhỏ gắn trên tấm bìa, được trả công 1.000 đồng/bìa. Mỗi ngày làm được 20 - 30 bìa, chị H. kiếm thêm 20.000-30.000 đồng.

Hai vợ chồng chị H. đều là công nhân, tổng thu nhập tầm hơn chục triệu đồng/tháng, lại có ba con nhỏ đang học lớp 7, lớp 3 và mẫu giáo, chị H. cho biết phải chắt chiu, tằn tiện lắm mới có thể bám trụ thành phố.

Công nhân thấp thỏm lo mất việc - Ảnh 3.

Chị Dung lo mất việc khi công ty ít đơn hàng, bản thân lại lớn tuổiảnh: U.P

Mở rộng kết nối, dạy nghề

Theo báo cáo của Cục Thống kê TPHCM, trong hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của 2 nhóm ngành gỗ - nội thất và dệt may da giày giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, số lượng giường, tủ, bàn, ghế sản xuất ra giảm đến 40%; số lượng trang phục giảm gần 21%.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM thông tin, thị trường xuất khẩu chính của dệt may là châu Âu và Mỹ gặp khó khăn; quý I/2023, khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới.

Với gỗ - nội thất, tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp, ông Hòa cho biết đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng. Chỉ 10% doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM còn được 50% đơn hàng so với trước. Có khoảng 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng; số doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do tồn kho tăng cao, doanh nghiệp gỗ đang thiếu hụt dòng tiền trầm trọng.

Báo cáo mới đây của Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn thành phố là 17.153 người. Cơ quan này đã khảo sát và dự báo trong quý 2, khoảng 7% doanh nghiệp sẽ giảm lao động do thiếu đơn hàng, không tái ký hợp đồng lao động đã hết hạn. Sở cho rằng các dữ liệu cho thấy tình hình đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý, nhưng chưa đến mức bi quan.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, trước tình hình nhiều công ty tại TPHCM tinh giản lao động, từ đầu năm, sở này đã trao đổi với Trung tâm dịch vụ việc làm tại 2 tỉnh Long An và Tiền Giang, để có thể giới thiệu việc làm, giới thiệu chính sách bảo hiểm cho những lao động ngay khi bị cắt giảm tại địa phương.

“Nếu người lao động có nhu cầu về làm việc ở quê, trung tâm sẽ kết nối với các tỉnh để giới thiệu việc làm. Với lao động muốn tiếp tục làm việc tại TPHCM, trung tâm sẽ kết nối với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng”, ông Lâm nói.

Bạn đang đọc bài viết "Công nhân thấp thỏm lo mất việc" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.