Thanh Hóa: Chợ truyền thống phổ biến thanh toán không tiền mặt

19/03/2024 20:11

Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng số hóa trong các giao dịch thanh toán và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Thanh Hóa: Chợ truyền thống phổ biến thanh toán không tiền mặt- Ảnh 1.

Bà Lê Thị Hòa, một tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương, Thanh Hóa cho biết việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành việc làm thường nhật. 50% lượng khách đến với quầy hàng của bà đã sử dụng phương thức thanh toán bằng quét mã QR. Hình thức thanh toán này rất tiện lợi và đang được nhiều khách hàng lựa chọn trong giao dịch. 

Hay tại chợ thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, gần 80% quầy hàng kinh doanh đã có mã QR để thanh toán. Thậm chí một quầy còn có 2 - 3 mã QR khác nhau. Điều này mang lại nhiều tiện ích như giảm rủi ro tiền giả, tiền rách, dễ dàng quản lý tiền bạc, thanh toán nhanh chóng, tiết kiệm thời gian đối với cả người bán và người mua. 

Chị Lê Hà, một khách mua hàng tại chợ thị trấn chia sẻ: "Từ ngày sử dụng ứng dụng Viettel Money quét QR, tôi hầu như không phải mang tiền mặt đi chợ, tránh nhầm lẫn hay rơi tiền, lại dễ dàng thống kê được mình đã chi tiêu những gì".

Việc áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống không chỉ thuận tiện cho người mua hàng, mà còn hỗ trợ các tiểu thương thuận tiện trong việc thanh toán các khoản chi phí như tiền thuê mặt bằng, thuế, phí vệ sinh, bảo vệ… cho Ban Quản lý chợ.

Để mô hình triển khai có hiệu quả, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các địa phương đang tập trung tuyên truyền cho Nhân dân về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, vận động người dân cài đặt, sử dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt và các nền tảng, dịch vụ khác trên điện thoại thông minh…

Thanh toán không tiền mặt tại chợ truyền thống chính là một trong những nỗ lực của tỉnh để phát triển thanh toán không tiền mặt trong mọi lĩnh vực.

Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 12/4/2022 về triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 04/04/2022 về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế; Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 06/6/2023 triển khai thực hiện chuyển đổi số trong chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cấp dung lượng, mở rộng mạng lưới viễn thông băng rộng di động và phát triển các điểm cung cấp dịch vụ internet đáp ứng tốt cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). 

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 9.347 trạm BTS (2.587 trạm 2G, 2.744 trạm 3G, 4.016 trạm 4G) được lắp đặt tại 3.982 vị trí; 100% các thôn, bản đã được phủ sóng thông tin di động băng rộng 3G/4G; có 4.513 điểm cung cấp dịch vụ Internet băng rộng tại các khu vực tập trung đông người...

Các tổ chức tín dụng đã quan tâm đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ có thể tiếp cận khách hàng qua kênh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng an toàn, tiện ích; hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán thẻ được cải thiện, nâng cao chất lượng, đảm bảo hoạt động ổn định, khắc phục kịp thời các sự cố kỹ thuật xảy ra; đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 361 máy ATM, gần 4 nghìn máy thanh toán qua thẻ ngân hàng (POS) với 3 nghìn điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, nhà hàng... 

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân như: mở tài khoản/mở thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), thanh toán/rút tiền tại ATM bằng mã QR Code, thanh toán thẻ chip phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân.

 

Thanh Hóa: Chợ truyền thống phổ biến thanh toán không tiền mặt- Ảnh 2.


Đến 30/11/2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 4,5 triệu tài khoản (TK) cá nhân, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước; hơn 1,1 nghìn tài khoản mở bằng hình thức trực tuyến (eKYC); có hơn 62 nghìn tài khoản doanh nghiệp; số lượng giao dịch TTKDTM qua các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn ước đạt trên 150 triệu giao dịch, với doanh số thanh toán đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó thanh toán qua kênh điện thoại di động khoảng 120 triệu giao dịch, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, giá trị giao dịch đạt trên 860 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Các sở, ngành, địa phương đã tập trung đồng bộ các chương trình, công nghệ, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, kết nối, chia sẻ thông tin với ngân hàng để thực hiện phương thức thanh toán điện tử và triển khai áp dụng các sản phẩm dịch vụ TTKDTM phù hợp, tiện lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc nộp thuế, phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, học phí, viện phí, cước viễn thông… 

Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 94,65%; có 54/69 đơn vị trong ngành y tế đã chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; có 3.217/3.399 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã thực hiện chi trả lương qua tài khoản, tăng 25 đơn vị so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ người hưởng lương từ ngân sách được trả lương qua tài khoản chiếm khoảng 90%.