Làm gì để biết mình bị khóa SIM ngày 31/3

18/03/2023 21:02

Người dùng cần kiểm tra thông tin thuê bao qua tin nhắn, ứng dụng hoặc web và để ý đến các tin nhắn thông báo từ nhà mạng trong thời gian này.

Người dùng có thể gửi tin nhắn "tttb" đến 1414 để tra cứu thông tin thuê bao, với tất cả các nhà mạng. Ảnh: Hoàng Nam.

Đến ngày 31/3, để đảm bảo tất cả các thuê bao đang hoạt động đều có thông tin đúng quy định và trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, các nhà mạng sẽ buộc phải khóa liên lạc một chiều với các thuê bao chưa trùng khớp thông tin.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nói chung là số lượng thuê bao cần chuẩn hóa lại thông tin lớn, trong khi đó việc thông báo, liên hệ với khách hàng chưa đạt hiệu quả mong muốn do nhiều khách hàng không để ý xem các tin nhắn gửi đến máy điện thoại hoặc sử dụng không thường xuyên”, đại diện nhà mạng VinaPhone chia sẻ thông tin với Zing.

Nếu không sử dụng SIM thường xuyên, người dùng có thể nhắn tin đến đầu số 1414 với cú pháp “tttb” để kiểm tra thông tin thuê bao. Thông tin trả về sẽ bao gồm họ và tên, ngày sinh, số căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân của chủ thuê bao.

Trong trường hợp thuê bao không chính chủ, vẫn có khả năng thông tin chủ thuê bao khớp với CSDLQG. Tuy nhiên trong trường hợp này, người dùng sẽ không thể tự cập nhật thông tin thuê bao qua các công cụ trực tuyến, và để chắc chắn không bị khóa liên lạc, có thể đến trực tiếp đại lý nhà mạng để cập nhật thông tin chính chủ.

“Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích cá nhân, tránh những rủi ro về pháp lý như các sự cố lừa đảo, tranh chấp thuê bao có thể phát sinh, khách hàng cần đăng ký thuê bao chính chủ sớm nhất”, đại diện VinaPhone khuyến cáo.

khoa sim anh 1

Nếu SIM đã chính chủ, khách hàng có thể tự cập nhật thông tin qua ứng dụng của các nhà mạng trên điện thoại thông minh hoặc qua trang web. Ảnh: Hoàng Nam.

Trong trường hợp thuê bao đã chính chủ nhưng thông tin chưa trùng khớp với giấy tờ tùy thân, người dùng có thể tự cập nhật lại qua ứng dụng, trang web của nhà mạng hoặc đến trực tiếp đại lý. Người dùng truy cập trang web của nhà mạng mà mình đang sử dụng tại các địa chỉ my.vnpt.com.vn (VinaPhone), tttb.mobifone.vn (MobiFone) hoặc viettel.vn/s/chtt (Viettel) để kiểm tra và cập nhật lại các thông tin bị sai bằng cách tải lên ảnh chụp giấy tờ.

Đại diện các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone cho biết sẽ gửi thông tin đến tất cả các thuê bao cần cập nhật lại thông tin, muộn nhất là bắt đầu từ ngày 15/3 để người dùng có 15 ngày để cập nhật trước khi bị khóa liên lạc.

Các nhà mạng sẽ nhắn tin 5 lần trong 5 ngày liên tiếp. Vì vậy, người dùng cũng có thể theo dõi tin nhắn thông báo từ nhà mạng để biết mình có trong diện thông tin thuê bao không trùng khớp hay không.

Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, thông tin trên thuê bao bao gồm số thuê bao, đối tượng sử dụng, thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số giấy tờ tùy thân và ngày cấp, cơ quan cấp, nơi cấp.

Các thông tin được đối chiếu với CSDLQG để đánh giá thông tin thuê bao có trùng khớp hay không bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, số giấy tờ tùy thân.

Để cập nhật thông tin thuê bao, người dùng truy cập trang web của nhà mạng mà mình đang sử dụng tại các địa chỉ my.vnpt.com.vn (VinaPhone), tttb.mobifone.vn (MobiFone) hoặc viettel.vn/s/chtt (Viettel).

Sau khi nhập số thuê bao cần kiểm tra/cập nhật thông tin, hệ thống sẽ gửi tin nhắn mã xác thực đăng nhập vào số thuê bao đó. Người dùng nhập mã để đăng nhập.

Tiếp theo, chọn loại giấy tờ dùng để xác nhận, có thể là căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Sau đó, tải ảnh mặt trước và mặt sau của giấy tờ và ảnh chân dung tại các ô yêu cầu của giao diện web. Nếu sử dụng máy tính, người dùng cần chuẩn bị trước các file ảnh giấy tờ, ảnh chân dung. Với điện thoại thông minh, trang web của các nhà mạng cho phép chụp ảnh trực tiếp.

Cuối cùng, kiểm tra lại các thông tin mà hệ thống đã trích xuất từ ảnh gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp và chọn xác nhận thông tin.

Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ

Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.

Bạn đang đọc bài viết "Làm gì để biết mình bị khóa SIM ngày 31/3" tại chuyên mục THIẾT BỊ SỐ.