Dễ dàng mua thiết bị theo dõi, giá chỉ hơn 1 triệu đồng

05/12/2022 12:06

Chỉ cần bỏ ra hơn 1 triệu đồng, người dùng đã có thể dễ dàng mua các thiết bị truy theo vị trí của ôtô để phục vụ các mục đích cá nhân.

Thiết bị định vị có kích thước nhỏ gọn. Ảnh: NVCC.

Việc lắp đặt các thiết bị định vị, theo dõi phương tiện di chuyển nói chung và ôtô nói riêng đã không còn quá xa lạ với người dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian gần đây những thiết bị này được quan tâm hơn sau khi một nữ diễn viên chia sẻ công khai trên mạng xã hội (MXH) về việc xe ôtô của mình bị lén gắn định vị.

Dễ mua, dễ dùng

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa thiết bị định vị trên MXH hoặc sàn thương mại điện tử, người dùng dễ dàng nhận được kết quả trả về là các sản phẩm có mức giá giao động 1,3-3 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, các thiết bị định vị được chia làm 2 loại. Loại thứ nhất có dây điện, phải đấu nguồn vào xe mới sử dụng được. Loại thứ hai sử dụng pin, không cần phải đấu dây với xe và có giá thành cao hơn.

thiet bi theo doi anh 1

Các thông tin về xe được hiển thị trong ứng dụng. Ảnh: NVCC.

Thiết bị sử dụng pin cũng được rao bán nhiều mức giá khác nhau, phụ thuộc vào dung lượng pin. Người dùng chỉ cần để thiết bị vào trong xe, tiếp theo tải ứng dụng tương thích là đã có thể quản lý, định vị và theo dõi xe.

Thiết bị sở hữu kích thước nhỏ gọn, dễ dàng sử dụng. Khi hết pin chỉ cần cắm sạc thông qua cổng micro USB hoặc USB-C tùy thuộc vào cổng sạc.

"Thời lượng sử dụng pin của thiết bị định vị sẽ dao động 4-30 ngày. Thời gian sử dụng lâu, giá thành sẽ cao hơn", một người bán hàng cho biết.

Vị này cũng tiết lộ nhu cầu của người dùng với thiết bị định vị trên thị trường khá lớn, trung bình mỗi ngày cửa hàng anh bán được 7-10 sản phẩm.

Đa phần khách của cửa hàng là người cho thuê xe, mua thiết bị để tránh việc bị mất trộm. Bên cạnh đó, khách hàng lẻ cũng thường mua với mục đích bảo vệ xe, cá biệt có một vài người mua với mục đích theo dõi riêng.

Anh Huy Tuấn (Bình Thạnh, TP.HCM), chủ một cửa hàng cho thuê xe ôtô, chia sẻ trên mỗi xe cho thuê anh đều gắn sẵn thiết bị định vị với với mục đích bảo vệ tài sản của mình.

Anh Tuấn chọn loại thiết bị có dây để hạn chế trường hợp bị mất. Anh cũng nhận định với mức giá 1,5 triệu đồng/thiết bị là mức giá hợp lý. Thiết bị không hỗ trợ chống nước nên chỉ cần lưu ý vấn đề này.

"Mình có 5 xe, tính ra là hết 7,5 triệu đồng tất cả. Thấy mấy trường hợp cho thuê bị mất xe nên mình khá lo lắng. Giá thành lắp đặt thiết bị là quá rẻ so với thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Cá nhân mình thấy thiết bị khá dễ dùng, chỉ cần thông qua ứng dụng là biết được hết các thông tin về xe", anh Tuấn chia sẻ.

Có thể dò tìm định vị gắn lén

Chia sẻ với Zing, ông Vũ Mạnh Thắng, đại diện Doscom - đơn vị cung cấp thiết bị định vị cũng như dò tìm các thiết bị ẩn, cho biết mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận 10-15 yêu cầu cho dịch vụ dò tìm. Các trường hợp yêu cầu dịch vụ không chỉ riêng trên xe ôtô mà còn tại nhà riêng hoặc phòng làm việc.

Ông Thắng tiết lộ các thiết bị định vị hay ghi âm nói chung thường sẽ phải lắp SIM viễn thông. Chúng sẽ phát đi tín hiệu lúc truyền tải thông tin vì vậy có thể tìm ra thông qua máy dò sóng.

Các thiết bị này có kích thước nhỏ gọn, có thể được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau nên người dùng thường khó phát hiện ra nếu như quan sát bằng mắt thường.

"Quy định hiện hành không cấm bán thiết bị định vị, ghi âm hay theo dõi. Mục đích sử dụng tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng, chúng tôi cung cấp song hành cả thiết bị và giải pháp", vị này cho hay.

thiet bi theo doi anh 2

Hiện có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dò tìm thiết bị định vị được cài trái phép vào phương tiện. Ảnh: DC.

Mức giá dò tìm các thiết bị ẩn mà đơn vị này đang cung cấp cho thị trường là 1,5 triệu/lần và kèm theo biên bản đảm bảo về việc không có thiết bị theo dõi, định vị và nghe lén sau khi kiểm tra.

Chia sẻ với Zing, luật sư Phạm Duy Đức từ Công ty Luật TNHH DK cho hay việc sử dụng các thiết bị định vị không phải là hành vi bị pháp luật Việt Nam cấm.

Tuy nhiên nếu sử dụng các thiết bị định vị với mục đích thu thập thông tin về đời sống riêng tư, các mối quan hệ xã hội, các thông tin liên quan đến cá nhân hoặc gia đình của họ mà không được sự đồng ý, cho phép của cá nhân đó thì hành vi này có thể vi phạm quyền tự do đi lại, quyền của cá nhân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình được quy định tại Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật dân sự 2015, Luật trẻ em 2016 và Bộ luật hình sự 2015.

Theo luật sư Đức, căn cứ các quy định của pháp luật, hành vi gắn thiết bị theo dõi vào xe ôtô cá nhân mà không được sự đồng ý trước của chủ xe (trừ trường hợp xe ôtô kinh doanh dịch vụ vận tải) là hành vi xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội và là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp hành vi lén gắn thiết bị theo dõi gây ra thiệt hại cho người bị vi phạm (ví dụ như làm lộ bí mật kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế, gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây tổn thất về tinh thần…) thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu người vi phạm bồi thường theo quy định tại Điều 592 Bộ Luật dân sự 2015.